Chuỗi giá trị là gì? Những điều chủ doanh nghiệp cần biết về mô hình phân tích Porter

5 min read

Chuỗi giá trị là một thuật ngữ thường được sử dụng trong kinh doanh. Đây được xem là công cụ giá trị nhất để tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp lâu năm hay một nhà khởi nghiệp, liệu bạn đã thực sự hiểu đúng về thuật ngữ chuỗi giá trị là gì và áp dụng thành công cho doanh nghiệp của bạn? Cùng tìm hiểu để biết thêm về thuật ngữ rất nổi tiếng của Porter này nhé.

Chuỗi giá trị là gì?

Thuật ngữ “Chuỗi giá trị” được xuất hiện lần đầu tiên trong ấn phẩm sách Competitive Advantage của Michael Porter, xuất bản năm 1985. Theo ông, chuỗi giá trị được hiểu là toàn bộ các hoạt động làm tăng giá trị cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng. Cụ thể là các hoạt động làm tăng giá trị tại các điểm trong quy trình vận hành doanh nghiệp như thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối…Hiểu một cách đơn giản, chuỗi giá trị là những hoạt động được sinh ra nhằm tối ưu hóa toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp.

Ý nghĩa và tính ứng dụng của mô hình chuỗi giá trị là gì?

Khái niệm về chuỗi giá trị không tự nhiên được sinh ra mà theo Porter, phân tích và xác định được mô hình chuỗi giá trị sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu thế nổi trội như sau:

  • Thứ nhất, tối ưu hóa nguồn nhân lực dư thừa cũng như các chi phí không cần thiết, giúp gia tăng hiệu quả và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
  • Thứ hai, xác định được giá trị thực sự của doanh nghiệp đối với khách hàng, từ đó không ngừng gia tăng giá trị, tạo ra các khách hàng trung thành.
  • Thứ ba, tối ưu hóa lợi ích cung – cầu giữa doanh nghiệp và khách hàng. Khi doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất, khách hàng cũng sẽ được mua hàng với giá thành tốt hơn, phù hợp với giá trị thực sự của sản phẩm.

Chuỗi giá trị là gì Những điều chủ doanh nghiệp cần biết về mô hình phân tích Porter 01

Chuỗi giá trị được áp dụng trong hầu hết quy trình vận hành của các doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa các hoạt động, trong đó quy trình sản xuất và marketing-bán hàng là những quy trình ứng dụng chuỗi giá trị tốt nhất hiện nay.

Ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất.

Trong các hoạt động kinh doanh sản xuất, chuỗi giá trị là một tổ hợp các hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất. Bắt đầu từ nhập liệu đầu vào cho đến sản xuất hàng hóa và cuối cùng là vận chuyển thành phẩm đầu ra hay nhập kho thành phẩm. Nói ngắn gọn, chuỗi giá trị áp dụng trong sản xuất là tối ưu các yếu tố sản xuất đầu vào sao cho tối đa hóa giá trị của sản phẩm đầu ra. Mục tiêu của việc ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất là tạo ra lợi thế về mặt chi phí (costing) cũng như giá trị (value) của sản phẩm so với hầu hết các đối thủ có mặt trên thị trường.

Ứng dụng chuỗi giá trị trong marketing – bán hàng.

Đối với việc ứng dụng chuỗi giá trị trong marketing – bán hàng, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc tối ưu hóa nhiều hơn ở trải nghiệm của khách hàng trong suốt quá trình mua hàng. Trong đó, bao gồm toàn bộ các hoạt động từ tiếp thị (marketing), bán hàng (sale), và chăm sóc sau bán hàng (after sale). Với mỗi hoạt động tối ưu hóa trong bất kỳ quy trình nào nêu trên đều góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm trong mắt khách hàng mục tiêu, từ đó gia tăng sản lượng và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Có thể tham khảo case study về “Giao hàng trong 2h” đến từ thương hiệu Tiki để hiểu hơn về việc Tiki đã áp dụng chuỗi giá trị trong bán hàng như thế nào.

Chuỗi giá trị là gì Những điều chủ doanh nghiệp cần biết về mô hình phân tích Porter

Case study tham khảo về chuỗi giá trị.

Một doanh nghiệp kinh doanh cà phê nọ, quy trình sản xuất cơ bản hằng năm bao gồm: tìm kiếm và thu mua nguyên liệu hạt cà phê nhân (green bean), vận chuyển đến nhà máy rang tập trung, rang, xay cà phê và đóng gói thành phẩm, vận chuyển đến các kho thành phẩm tập trung. Sau khi tìm hiểu và phân tích chuỗi giá trị, doanh nghiệp nhận thấy việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào từ nhiều vùng khác nhau sẽ cho ra chất lượng khác nhau của cà phê, giá thu mua khác nhau và chi phí vận chuyển từ nhiều khu vực cũng cao. Do đó, doanh nghiệp quyết định chọn một khu vực có chất lượng cà phê ổn định nhất để thu mua để đồng bộ chất lượng sản phẩm cũng như giảm thiểu chi phí vận chuyển. Khi đó, để giải quyết vấn đề về sản lượng (volume) do thiếu hụt tại các vùng khác, doanh nghiệp quyết định thành lập hợp tác xã cà phê. Khi đó, doanh nghiệp sẽ kêu gọi người dân hợp tác, hướng dẫn cách trồng trọt và đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân tại hợp tác xã để bà con yên tâm trồng cà phê.

Như vậy, doanh nghiệp đã ứng dụng thành công tạo ra chuỗi giá trị trong quy trình sản xuất bao gồm 2 hoạt động chính:

  • Tập trung nguồn nguyên liệu: giá trị tạo ra là sự đồng đều về chất lượng sản phẩm và giảm thiểu chi phí vận chuyển.
  • Mở rộng khai thác theo mô hình hợp tác xã: giá trị tạo ra là sản lượng được đáp ứng và chất lượng cũng được gia tăng, ngoài ra thì còn có câu chuyện để làm thương hiệu (branding) cho doanh nghiệp.

Sự khác biệt giữa chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị là gì?

Có một khái niệm khác mà hầu hết doanh nghiệp thường xuyên nhầm lẫn với khái niệm về chuỗi giá trị (value chain), đó là chuỗi cung ứng (supply chain). Cùng làm rõ sự khác biệt ở hai khái niệm này như sau:

Về định nghĩa: Chuỗi cung ứng là một dãy các hoạt động liên tiếp sao cho từ nguyên liệu đầu vào có thể trở thành thành phẩm đến tay khách hàng. Trong khi đó, chuỗi giá trị bao gồm các hoạt động làm tăng giá trị của sản phẩm khi đến tay khách hàng.

Về nguồn gốc: Chuỗi cung ứng bắt nguồn từ nguyên lý quản trị vận hành (operation management). Trong khi đó, chuỗi giá trị bắt nguồn từ nguyên lý quản trị kinh doanh (business management).

Sự nối tiếp trong hoạt động: Các hoạt động của chuỗi cung ứng xuất phát từ sự yêu cầu của sản phẩm và kết thúc khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Còn chuỗi giá trị sẽ đến từ sự yêu cầu của khách hàng và kết thúc bởi giá trị của sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng chi trả.

Mục tiêu: Chuỗi cung ứng tạo ra nhằm mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Trong khi đó, chuỗi giá trị sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Chuỗi giá trị là gì Những điều chủ doanh nghiệp cần biết về mô hình phân tích Porter 0100

Các yếu tố tạo nên chuỗi giá trị của Porter (Porter’s value chain).

Để các doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích chuỗi giá trị của mình, Porter đã chia các hoạt động của doanh nghiệp thành hai mảng chính bao gồm hoạt động chủ yếu (Primary activities) và hoạt động hỗ trợ (Support activities).

Hoạt động chính trong chuỗi giá trị của Porter là gì? 

Theo Porter, các hoạt động chính trong chuỗi giá trị là các hoạt động gắn liền với khả năng tạo ra giá trị vượt quá chi phí bỏ ra để sản xuất sản phẩm hay dịch vụ. Theo đó, có 5 hoạt động chính như sau sau:

  • Vận chuyển đầu vào (Inbound logistic): Bao gồm chuỗi các hoạt động nhằm tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào như tiếp nhận sản phẩm, kế hoạch lưu trữ, chính sách đổi trả với hàng lỗi,…Theo đó, mối quan hệ, tương tác với đơn vị cung cấp (Supplier) sẽ là yếu tố chính tạo ra giá trị.
  • Vận hành sản xuất (Operation): Bao gồm các hoạt động liên quan đến việc tạo ra thành phẩm như chế tạo, đóng gói, bảo dưỡng máy móc,…
  • Vận chuyển đầu ra (Outbound logistic): Bao gồm các hoạt động phân phối hàng hóa, xử lý đơn hàng, lưu trữ kho,…
  • Tiếp thị và bán hàng (Sale and marketing): Bao gồm các hoạt động định giá, chính sách bán hàng, truyền thông, khuyến mãi,…
  • Dịch vụ (Services): Bao gồm toàn bộ các giá trị cộng thêm khác (add-on value) cho khách hàng như: dịch vụ tư vấn trực tuyến, hỗ trợ lắp đặt, trải nghiệm miễn phí, chăm sóc sau bán hàng,…

Hoạt động hỗ trợ trong chuỗi giá trị của Porter là gì?

Trong khi các hoạt động chính trong chuỗi giá trị gắn liền với khả năng tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm thì các hoạt động hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động chính trở nên dễ dàng hơn. Trong đó có các hoạt động bao gồm:

  • Thu mua (Procurement): Bao gồm các hoạt động tìm kiếm nhà cung cấp, đặt hàng nguyên vật liệu,…
  • Quản trị nguồn nhân lực (Human resource management): Bao gồm toàn bộ các hoạt động nhằm tìm kiếm và tối ưu nhân sự cho công ty, phục vụ mục tiêu phát triển chung.
  • Phát triển công nghệ (Technology development): Bao gồm các hoạt động liên quan đến việc tối ưu hóa thông tin, tự động hóa quy trình vận hành, thu thập data phục vụ cho việc phân tích,…
  • Cơ sở hạ tầng (Firm infrastructure): Bao gồm toàn bộ các hoạt động liên quan đến tài chính, kế toán, pháp lý,…

Chuỗi giá trị là gì Những điều chủ doanh nghiệp cần biết về mô hình phân tích Porter 0100

Có thể thấy tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong các doanh nghiệp là vô cùng lớn. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá lại về giá trị doanh nghiệp thông qua việc phân tích chuỗi giá trị như đã nêu ở trên. Bằng cách đó, doanh nghiệp sẽ nhận ra đâu là lợi thế cạnh tranh của mình và từ đó, không ngừng phát triển. Lưu ý rằng mô hình chuỗi giá trị của Porter được giới thiệu từ những năm 1985 và có thể cho đến ngày nay, một số ý đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, các nguyên lý cốt lõi thì vẫn không hề thay đổi cho đến tận ngày nay.

What kind of founder are you??
Take the quiz to find out.

What kind of founder are you?
Take the quiz to find out

Scroll to top
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x