Sự khác nhau giữa vay thế chấp và vay tín chấp mà doanh nghiệp cần biết

5 min read

Ngày nay, hình thức vay thế chấp và vay tín chấp ngày càng phổ biến ở cả lĩnh vực tài chính cá nhân lẫn tài chính doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng cho vay cũng tích cực đổi mới. Các gói vay ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nhận biết được sự khác biệt cơ bản giữa vay thế chấp và vay tín chấp. Cùng với đó, ưu điểm và nhược điểm của hai loại hình vay nợ phổ biến này vẫn chưa được biết đến rộng rãi trong giới kinh doanh. Điều đó đôi khi khiến cho các doanh nghiệp gặp thiệt thòi trong các vấn đề liên quan đến vốn và dòng tiền, mất đi nhiều cơ hội trong kinh doanh. Sau đây là một số thông tin hữu ích liên quan đến vay thế chấp và vay tín chấp mà bất kì một doanh nghiệp nào cũng nên biết.

Vay thế chấp so với Vay tín chấp

Vay thế chấp

Trong bộ luật dân sự năm 2015, điều 317-318 có chỉ ra rằng vay thế chấp được hiểu là việc một bên - gọi là “bên thế chấp”, dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo cho bên còn lại - gọi là “bên nhận thế chấp”, về việc thực hiện nghĩa vụ vay và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp trừ trường hợp bên thế chấp không thể thực hiện nghĩa vụ. Trong một số trường hợp, người giữ tài sản thế chấp có thể là bên thứ ba hoặc tổ chức tín dụng, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.

Vay tín chấp

Cũng theo bộ luật trên, điều 344-345 có nêu rằng vay tín chấp được hiểu là một tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho doanh nghiệp vay một khoản nợ từ tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sự khác biệt cơ bản trong định nghĩa giữa vay thế chấp và vay tín chấp doanh nghiệp bao gồm việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ vay bằng tài sản sở hữu (đối với vay thế chấp) hay tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở (đối với vay tín chấp). Cùng với đó là sự khác biệt về mức độ rủi ro giữa vay thế chấp và vay tín chấp, trong khi vay tín chấp có mức độ rủi ro thấp thì vay tín chấp có mức độ rủi ro cao hơn hẳn.

Sự khác nhau giữa vay thế chấp và vay tín chấp mà doanh nghiệp cần biết

 

Ưu và nhược điểm của vay thế chấp và vay tín chấp

Vay thế chấp

Ưu điểm

  • Lãi suất thấp: Bằng cách chứng minh khả năng hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng vay bằng tài sản đảm bảo, đơn vị cho vay hoàn toàn có thể cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp vì khi đó, rủi ro nhận về là tương đối thấp.
  • Mức vay lớn: với tài sản đảm bảo càng lớn, mức vay của doanh nghiệp đi kèm sẽ càng lớn. Khi đó mức vay sẽ tương đương với tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp đem ra thế chấp.
  • Thời hạn vay kéo dài: Hình thức vay thế chấp cho phép doanh nghiệp vay thời hạn dài do số tiền vay tương đối lớn.
  • Khả năng duyệt khoản vay cao: Với hình thức thế chấp tài sản vay, các doanh nghiệp có khả năng được duyệt khoản vay cao hơn so với hình thức vay tín chấp.

Nhược điểm

  • Phải có tài sản thế chấp: Doanh nghiệp muốn tham gia hình thức vay thế chấp bắt buộc phải sở hữu các loại tài sản thuộc nhóm tài sản được phép thế chấp như bất động sản, tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai hay đôi khi là tài sản đang cho mượn hoặc cho thuê.
  • Rủi ro mất hoàn toàn tài sản: Trong trường hợp không thể hoàn thành nghĩa vụ vay, doanh nghiệp có nguy cơ mất quyền sở hữu hoàn toàn trên tài sản đã đem đi thế chấp.
  • Thời gian giải ngân dài hơn: Đối với hình thức vay thế chấp, các đơn vị cho vay cần thẩm định tài sản thế chấp rất kỹ lưỡng, dẫn đến việc giải ngân sẽ tương đối chậm hơn.

Vay tín chấp

Ưu điểm

  • Không thế chấp tài sản: ưu điểm này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuộc lĩnh vực sản xuất. Vì các doanh nghiệp này thường không sở hữu những tài sản đủ lớn để có thể thế chấp.
  • Thủ tục vay đơn giản: Các thủ tục, hồ sơ vay với hình thức vay tín chấp tương đối đơn giản vì không cần các giấy tờ liên quan đến sở hữu, định giá tài sản. Đôi khi các thủ tục vay tín chấp hoàn toàn có thể thực hiện online.
  • Giải ngân nhanh: Chính vì thủ tục vay đơn giản, hình thức vay tín chấp có thời gian giải ngân nhanh hơn hẳn vay thế chấp.

Sự khác nhau giữa vay thế chấp và vay tín chấp mà doanh nghiệp cần biết

Nhược điểm

  • Lãi suất cao: Mức độ rủi ro của hình thức vay tín chấp cao hơn so với hình thức vay thế chấp do không cần tài sản đảm bảo. Chính vì thế mà lãi suất áp dụng cho hình thức vay tín chấp luôn cao hơn so với vay thế chấp.
  • Hạn mức vay thấp: Vì tính rủi ro cao, nên hình thức vay tín chấp cũng sẽ giới hạn mức vay sao cho không quá cao để giữ an toàn cho đơn vị cho vay.
  • Phát sinh chi phí khác: Đối với hình thức vay tín chấp, doanh nghiệp đôi khi sẽ bị phạt do tất toán trước hạn hợp đồng từ 2% đến 5% khoản nợ còn lại, tùy theo chính sách của đơn vị cho vay.

Vay thế chấp so với Vay tín chấp: Những điều lưu ý 

Thông tin về lãi suất, thời hạn và mức vay.

Lãi suất, thời hạn và hạn mức vay là những thông tin quan trọng khi đi vay. Vì các thông tin trên sẽ phản ánh mức độ đáp ứng kỳ vọng vay của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý các thông tin trên được thể hiện trong hợp đồng như thế nào, có đúng với kỳ vọng cũng như cam kết đã thống nhất với đơn vị cho vay hay chưa trước khi đặt bút ký thỏa thuận vay.

Điều kiện vay và các điều khoản vay trên hợp đồng.

Hiện nay có rất nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp các gói vay thế chấp và vay tín chấp cho doanh nghiệp, tuy nhiên không phải gói vay nào cũng phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Cần lưu ý điều kiện vay và các điều khoản vay trên hợp đồng để xác định mức độ đáp ứng của doanh nghiệp với các điều kiện vay của đơn vị cho vay, tránh việc làm tốn thời gian của đôi bên một cách không cần thiết.

Số tiền, thời gian giải ngân gói vay thế chấp và vay tín chấp đã thỏa thuận.

Doanh nghiệp đi vay phải luôn cân nhắc về số tiền vay cũng như thời gian giải ngân sao cho đáp ứng vừa đủ nhu cầu doanh nghiệp, hạn chế chịu sự tác động bởi đơn vị tư vấn, dẫn đến tình trạng “vung tay quá trán”. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải trả lãi nhiều hơn và lâu hơn trong khi bản thân doanh nghiệp không thực sự cần đến số tiền lớn như thế

Luôn giữ liên lạc với bộ phận hỗ trợ của ngân hàng cho vay.

Hãy luôn giữ liên lạc với đơn vị hỗ trợ của ngân hàng hay tổ chức tín dụng, đơn giản là để phòng ngừa những trường hợp chẳng may “cơm không còn lành, canh chẳng còn ngọt nữa”, để luôn có người hỗ trợ khi cần.

Sự khác nhau giữa vay thế chấp và vay tín chấp mà doanh nghiệp cần b

Với sự đa dạng về các hình thức vay như ngày nay, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các gói vay thế chấp và vay tín chấp hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mình đã hiểu rõ về sự khác biệt giữa các loại hình vay thế chấp và vay tín chấp như đã nêu ở trên, nhận biết rõ tầm quan trọng của điều kiện vay cũng như xác định rõ nhu cầu vay của bản thân. Từ đó, có chiến lược vay cũng như sử dụng nguồn vốn sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình.

What kind of founder are you??
Take the quiz to find out.

What kind of founder are you?
Take the quiz to find out

Scroll to top
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x