Đăng Ký Nhận Bảng Tin Từ Chúng Tôi
Doanh thu thuần là gì? Công thức tính doanh thu thuần giúp bạn không lỗ vốn
Doanh thu và doanh thu thuần là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau trong kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Việc xác định doanh thu thuần rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết này, Jenfi sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về doanh thu thuần cũng như công thức tính và các yếu tố chính tác động đến doanh thu thuần.
1. Doanh thu thuần là gì?
1.1 Khái niệm: Doanh thu thuần
Doanh thu thuần (tiếng Anh: Net Revenue) là khoản tiền thu được từ các hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ sau khi đã trừ đi các chi phí như: Các loại thuế (thuế tiêu thụ, thuế xuất nhập khẩu,...) và các loại giảm giá bán hàng (giảm giá kích cầu, chiết khấu bán hàng,...) cũng như các khoản chi phí phát sinh khác (hàng hoàn trả lại,...), hoặc thậm chí các chi phí ẩn.
Một số quốc gia, thuật ngữ này còn được sử dụng với tên gọi: Net Sales
Doanh thu thuần chỉ tính từ việc kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ. Những nguồn thu từ hoạt động đầu tư tài chính không được tính vào doanh thu thuần.
1.2 Sự khác nhau giữa doanh thu thuần và doanh thu
Doanh thu thuần và doanh thu là hai thuật ngữ rất dễ gây nhầm lẫn. Chúng giống nhau ở chỗ đều là phần tiếp nhận được thông qua việc kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét về bản chất và ý nghĩa mang lại thì hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Doanh thu là tổng giá trị thu được thông qua các hoạt động kinh doanh như bán hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của một cá nhân hay một tổ chức cụ thể. Như vậy, có thể thấy “Doanh thu” là tổng chi phí thu lại được, không cần phải trừ đi các khoản giảm trừ như “Doanh thu thuần.
Trong hầu hết các bản báo cáo tài chính kinh doanh, doanh thu luôn lớn hơn doanh thu thuần.
1.3 Sự khác nhau giữa doanh thu thuần và lợi nhuận
Doanh thu thuần và lợi nhuận cũng là hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn. Vậy có thể coi doanh thu thuần và lợi nhuận là 1 chỉ số được không? - Câu trả lời sẽ là: Không. Trên thực tế, đây là hai số liệu hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Lợi nhuận là phần tài sản nhận được thông qua các hoạt động đầu tư đã được trừ đi chi phí. Lợi nhuận được tính dựa trên các hoạt động đầu tư. Hình thành trên nền tảng là sự chênh lệch giữa số tiền thu vào và số tiền phải chi ra trong các hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, doanh thu thuần chỉ tính từ việc kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Một doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân có doanh thu thuần cao không đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng cao. Việc tạo ra doanh thu vẫn hoàn toàn có thể đồng nghĩa với việc bị thua lỗ, bời vì lợi nhuận chính là phần tài sản còn lại sau khi đã trừ hết chi phí.
Chúng ta có thứ tự sắp xếp các giá trị như sau: Doanh thu → Doanh thu thuần → Lợi nhuận trước thuế → Lợi nhuận sau thuế
2. Ý nghĩa của doanh thu thuần
Doanh thu thuần có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phản ảnh được chính xác tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức hay một cá nhân cụ thể.
Từ những số liệu trên, những người làm chủ sẽ xác định được khoản tiền doanh nghiệp thu về, chi phí trước và sau thuế cũng như định hướng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường đang diễn biến như thế nào. Từ đó tính toán được lợi nhuận cuối cùng mà sản phẩm mang lại.
Nếu doanh thu thuần có chiều hướng tăng trưởng theo các tháng, năm hoặc cao hơn so với số liệu cùng kỳ năm trước, chứng tỏ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang phát triển tốt.
Ngược lại, nếu chỉ số trên có chiều hướng giảm, những người làm chủ lúc này cần đưa ra những quyết sách kịp thời để cải thiện tình hình kinh doanh, sản xuất hay phân phối sản phẩm đó. Một trong số những giải pháp là cắt giảm những chi phí không cần thiết.
Xét theo hướng vĩ mô, doanh thu thuần là chỉ số giúp những nhà quản trị có cái nhìn tổng quan về tình hình tăng trưởng, đưa ra các kế hoạch phát triển phù hợp với doanh nghiệp ở từng thời điểm nhất định.
3. Công thức tính doanh thu thuần
Sau đây là công thức tính doanh thu thuần:
Trong đó:
- Tổng doanh thu bán hàng: Tổng doanh thu bán hàng hay còn gọi là doanh thu tổng thể - Là tổng giá trị bán ra của các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đang hoạt động kinh doanh.
- Các khoản giảm trừ doanh thu: Tổng những khoản chi phí giảm trừ như: Thuế, chiết khấu, giảm giá, hàng hoàn lại,...
Hiểu rõ về doanh thu thuần và công thức tính giúp những người kinh doanh có cái nhìn chính xác và rõ ràng hơn về con số lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về. Để dễ hiểu hơn, mời bạn theo dõi ví dụ sau đây:
Công ty A có tổng doanh thu năm 2021 là 40 tỷ đồng. Để đạt được doanh thu này, công ty đã triển khai chương trình giảm giá 15% trên tất cả các sản phẩm bán ra.
Ngoài ra, chi phí hàng hoàn trả lại do không đạt yêu cầu là 3 tỷ đồng. Lúc này, doanh thu thuần của công ty A sẽ được tính như sau: 40 tỷ - (15% x 40 tỷ) - 3 tỷ = 31 tỷ đồng
4. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến doanh thu thuần?
Bất kỳ một số liệu nào cũng chịu tác động từ rất nhiều nhân tố xung quanh. Sau đây là 6 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến số liệu doanh thu thuần:
4.1 Chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Có thể nói, chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố tác động nhiều nhất đến kết quả hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào. Chất lượng tỷ lệ thuận với số lượng khách hàng và ngược lại.
Ngoài ra, chất lượng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hoá, các chi phí marketing, từ đó sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần cũng chịu tác động theo. Chất lượng sản phẩm nếu được khách hàng đánh giá cao, phía doanh nghiệp có thể xem xét nâng giá thành hoặc giảm các chi phí khác. Ngược lại, chất lượng kém thì giá thành buộc phải giảm để có thể tiêu thụ được.
4.2 Khối lượng tiêu thụ và năng lực sản xuất
Xác định khối lượng sản xuất sản phẩm khớp với nhu cầu thị trường là điều cực kỳ quan trọng. Nếu nhu cầu thị trường lớn, khớp với khả năng sản xuất của doanh nghiệp thì mức tiêu thụ tốt, doanh thu thuần lúc này được đẩy lên cao. Hoặc nếu thị trường đang có mức tiêu thụ sản phẩm tốt nhưng phía doanh nghiệp lại hạn chế về năng lực sản xuất thì sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng hàng hoá, dẫn đến hạn chế về doanh thu.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp sản xuất quá nhiều sản phẩm nhưng nhu cầu tiêu thụ của thị trường lại ít, lúc này hàng hóa sẽ tồn kho. Từ đó doanh thu giảm và doanh nghiệp tốn thêm các chi phí khác như lưu kho, giảm giá, chiết khấu để thúc đẩy hoạt động bán hàng.
4.3 Giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm, dịch vụ và doanh thu tỷ lệ thuận. Giá bán tăng, các yếu tố khác không đổi sẽ tác động làm tăng doanh thu thuần và ngược lại, giá bản giảm đồng nghĩa với doanh thu sẽ giảm.
Việc định giá sản phẩm nên được xác định ngay từ đầu và mang tính chất quyết định rất lớn đến lợi nhuận. Trường hợp nếu doanh nghiệp quyết định chọn phân khúc sản phẩm giá rẻ thì nên lấy số lượng để bù lại doanh thu.
4.4 Kết cấu tiêu thụ của sản phẩm, dịch vụ
Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều chọn phương án kinh doanh cùng lúc nhiều sản phẩm, dịch vụ để có phương án dự phòng, phân tán rủi ro. Khi các sản phẩm, dịch vụ được cơ cấu một cách hợp lý, khả năng tiếp cận thị trường theo từng phân khúc khách hàng tăng cao. Từ đó cải thiện được doanh thu thuần theo chiều hướng tích cực.
Đa dạng sản phẩm một trong những cách mở rộng thị trường hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau sẽ giúp mở rộng thị trường tiềm năng. Có thể thấy rằng, kết cấu tiêu thụ của sản phẩm, dịch vụ cũng tác động lên doanh thu thuần của doanh nghiệp.
đưa ra những chính sách hợp lý để phát triển, đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu.
4.5 Chính sách bán hàng
Chính sách bán hàng đưa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp lựa chọn được chiến lược marketing hợp lý, số lượng hàng hoá bán ra thu hút được khách hàng, từ đó doanh thu thuần cũng tăng lên tích cực.
Ngoài ra, nếu lựa chọn được chính sách bán hàng phù hợp, doanh nghiệp cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho các hoạt động quảng bá sản phẩm. Nếu bán hàng qua những kênh truyền thông thì chiết khấu giảm giá sẽ thu hút được khách hàng. Còn nếu sử dụng kênh bán hàng online thì nên tập trung vào tính tiện lợi và các dịch vụ bổ trợ như miễn phí giao hàng, giao nhanh trong 24h.
4.6 Thị trường tiêu thụ
Thị trường tiêu thụ càng mở rộng thì khả năng tiếp cận với khách hàng càng lớn. Từ đó doanh thu và lợi nhuận thu về cũng sẽ tăng lên.
Việc phân tích và đưa ra những đánh giá đúng với nhu cầu của thị trường, từ đó xác định được tệp khách hàng tiềm năng sẽ giúp doanh nghiệp có những kế hoạch sản xuất hàng hoá, dịch vụ cụ thể. Doanh thu thuần từ đó cũng tăng lên tích cực.
5. Những câu hỏi liên quan đến doanh thu thuần
Doanh thu thuần có bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) không?
- Không. Thuế giá trị gia tăng (VAT) được hạch toán riêng và không được tính vào doanh thu cũng như doanh thu thuần.
Doanh thu thuần của các ngân hàng được tính như thế nào?
- Do là một trong những ngành nghề kinh doanh đặc biệt, nên doanh thu thuần của ngân hàng sẽ bao gồm các khoản thu từ phí dịch vụ, lãi tiền vay của khách hàng, các loại phí hàng tháng, hàng năm mà khách hàng phải trả, trừ đi các khoản phát sinh các chi phí như giảm phí, chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng mở thẻ,...
Doanh thu thuần có phải là doanh thu ròng không?
- Không. Doanh thu thuần và doanh thu ròng là 2 chỉ số hoàn toàn khác nhau.
Doanh thu ròng là tổng doanh thu từ tất cả các hoạt động của doanh nghiệp (chịu ảnh hưởng bởi lãi suất và lãi vay). Bao gồm cả phần chi phí liên quan đến những hoạt động hành chính, chi tiền mặt, bảo trì,...Nhưng sẽ không tính những phần chi phí như: Chi phí quản lý, bán hàng,...
Việc xác định rõ định nghĩa của từng loại doanh thu sẽ giúp cho những người đầu tư đánh giá được chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Hy vọng Jenfi đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về doanh thu thuần. Từ đó có cái nhìn tổng quan và đưa ra những chính sách hợp lý để phát triển, đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu.